Thursday, January 29, 2015

Ngôi đình Việt Nam, một dạng nhà công cộng có pha trộn các chức năng

Trời lấy đình để nuôi muôn vật.
Đất lấy đình để chứa muôn loài.
Người ta lấy đình làm nơi tụ họp.

(Ngô Thì Nhậm)



Đình luôn gắn bó với tín ngưỡng thành hoàng, là người có công đầu giúp nhân dân khai phá, lập làng, hoặc có thể là một nhân vật nào đó mà triều đình phong kiến sắc phong. Thành hoàng luôn được nhận thức là vị thần bảo trợ cho dân trong làng. Như vậy, có làng thì sẽ có thành hoàng và nơi thờ thành hoàng. Nơi thờ ấy lúc đầu có thể chỉ là một cái miếu đơn sơ làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Trong một hoàn cảnh lịch sử nào đó, ngôi miếu thờ thành hoàng được mở rộng thành ngôi đình, lúc đó thành hoàng được thờ ở đình.

Trong kiến trúc công cộng ở làng xã thì đình có sau chùa, nhưng sau khi xuất hiện và trong suốt quá trình phát triển, phần lớn đình làng dần thay thế chùa, đảm nhiệm vai trò trung tâm văn hóa làng xã. Đồng thời, đình làng là nhờ thờ chung của cả cộng đồng, là trụ sở chính của chính quyền làng xã, là nơi giải quyết mọi công việc liên quan đến các thành viên trong làng.

Trên cơ sở các đình làng hiện còn, có thể nhận định rằng, từ đầu thế kỷ XVI, hình mẫu đình làng đã ổn định: Về đại thể, nó đã được mô hình hóa, song về chi tiết vẫn có sự diễn tiến theo thẩm mỹ, kỹ thuật và kinh tế của từng thời gian cụ thể.

Đình được dựng ngay trong vòng lũy tre bao quanh làng, ở đầu làng để là bộ mặt của làng trình với du khách khi còn ở ngoài làng, nhưng ở dìa mà thường cân đối giữa hai nửa làng. Khu đất dựng đình thường là cao đẹp nhất, nhưng cá biệt lại có thể thấp nhất làng. Trong các công trình kiến trúc ở đình làng, ngôi nhà to nhất là phải có, mà ở những đình sớm thì là ngôi duy nhất, chính là tòa đại đình.

Đại đình là tòa nhà lớn, dàn ngang, kéo dài về hai bên, bao giờ cũng có số gian lẻ 3, 5, 7…và them hai chái ở hai đầu. Cũng như những ngôi nhà chính của dân, như chùa và đền, và cao hơn tất cả là chính ở đình làng việc tuận thủ số gian lẻ là để tạo ta một gian ở giữa, các gian phụ ở hai bên đăng đối nhau. Gian giữa của đại đình luôn là gian thiêng liêng, nếu ở nhà dân, nơi đây là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, thì ở tại đình làng gian giữa để nền thấp (không có sàn) và phía sau được nâng cao hẳn lên bằng hương án hoặc gác lửng làm cung thờ - nơi thờ thành hoàng mà dù nguồn gốc thể nào thì cũng được xem là “tổ tiên” chung của cả làng. Tình thiêng liêng, có khi đến huyền nhiệm của không gian giữa tạo nên giá trị tinh thần của cả làng, nó được đảm bảo bởi cấu trúc số gian lẻ tạo không gian lẻ.

Dưới góc độ của Ngô Thì Nhậm đã nói ở trên, đình là nơi thiêng liêng, công trình của trời đất giao phó cho con người sinh sống. Nói một cách đơn giản, nó là ngôi nhà chung của cộng đồng làng xã, giống như nhà Rông ở Tây Nguyên,  được toàn dân trong làng chúng sức xây dựng và ước vong tinh thần chung cả làng.

Thờ thành hoàng làng là chức năng đầu tiên, sau đó là nơi hội đồng kỳ hào kỳ mục của làng hội họp, cuối cùng là nơi tổ chức lễ hội thường niên của làng, thường vào mùa xuân, sau ngày Nguyên Đán. Khao vọng, thu thuế, xử kiện, tuyên bố thể lệ, chia đất đai, phân bổ việc làng đều diễn ra tại ngôi đình cả. Ngoài hậu cung và gian chính giữa ra, toàn bộ không gian ngôi đình sành cho sinh hoạt cộng đồng, thậm chí như đình Mông Phụ (Đường Lâm), trẻ con được tự do chơi trong đình thường nhật, mà nất cứ ai không được phép ngăn cản.


Bên cạnh vai trò là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nơi các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức, nơi tạo cảm hứng cho người dân sang tạo nên các giá trị văn hóa làng, đình làng còn là nơi nhận diện một cách sống động mô hình chính trị đặc thù với tính chất tự trị dân chủ làng xã, một thiết chế văn hóa tín ngưỡng tổng hợp, một không gian văn hóa tiêu biểu trong đó những giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình, biểu diễn.  Đình làng là một công trình kiến trúc công cộng có sự pha trộn các chức năng, tạo nên sự cố kết cộng đồng làng, là một bảo tang sống về văn hóa làng của người Việt.

Tài liệu tham khảo:

1)    Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Chu Quang Chứ, NXB Mỹ thuật, 2002
2) Văn minh vật chất của người Việt, Phan Cẩm Thượng, NXB Tri thức, 2013.

No comments:

Post a Comment