Thursday, January 29, 2015

Louis Kahn và hành trình tìm cội nguồn của nghệ thuật kiến trúc


Tiểu sử:

Louis Isadore Kahn (20 tháng 2, 1901  – 17 tháng 3, 1974) là một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, hành nghề tại Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ. Ông còn là giáo sư giảng dạy kiến trúc tại Đại học Pennsylvania  Đại học Yale. Kahn là người Do Thái, sinh ra tại Kuressaare, thuộc quần đảo Saaremaa của Estonia. Vào năm 1905, gia đình ông di cư đến Mỹ do cha ông lo sợ sẽ bị tái ngũ trong cuộc Chiến tranh Nga-Nhật. Ông lớn lên ở Philadelphia và nhập quốc tịch Mỹ vào ngày 15 tháng 3 năm 1914.

Thời trẻ, ông được đào tạo theo một truyền thống cổ điển chặt chẽ với sự nhấn mạnh học tập, sao chép vào các tác phẩm truyền thống tại Đại học Pennsylvania. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ năm 1924, Kahn làm một chuyến du lịch sang châu Âu, thay vì dừng lại ở trung tâm nghệ thuật cổ điển hoặc hiện đại nào, ông lại chọn thành cổ Carcassonne ở Pháp, được xây dựng từ thời Trung cổ. Từ 1925 đến 1926, Kahn làm việc như kiến trúc sư trưởng của Hội chợ triển lãm thế giới tại Philadelphia. Từ 1947 ông giảng dạy tại Đại học Yale và tạo được một ảnh hưởng lớn tại đây trước khi chuyển đến Đại học Pennsylvania. Trong số các học trò xuất chúng của ông sau này có Moshe Safdie và Robert Venturi.

Kiến trúc của Louis Kahn đã truyền tải vào chủ nghĩa quốc tế một phong cách tinh tế, giàu chất thơ, ghi đậm dấu ấn cá nhân trong từng tác phẩm. Ông là bậc thầy về sử dụng ánh sáng trong kiến trúc. Theo nhà điêu khắc Isamu Noguchi, Louis Kahn là một nhà triết học trong số các kiến trúc sư.


Sau một chuyến du lịch từ Ấn Độ trở về, Kahn mất đột ngột vì một cơn đau tim tại phòng tắm nhà ga Pennsylvania ở Thành phố New York, người ta chỉ có thể xác định được danh tính của ông sau 3 ngày vì ông đã xóa địa chỉ của bản thân trên hộ chiếu.


Kahn đi tìm cội nguồn của nghệ thuật kiến trúc, hàm ý và nội dung Triết học của kiến trúc. Xuất phát điểm của Triết học kiến trúc của Kahn là câu hỏi: “ Cái tòa nhà này muốn trở thành cái gì ? “ (What does the Building want to be ?). Ông thường nói :”một đóa hoa hồng phải trở thành một đóa hoa hồng” (a Rose wants to be a Rose), và cho rằng mọi sự vật đều có một “ý chí tồn tại” (Existence Will), mỗi ý chí tồn tại của sự vật sẽ quyết định đặc tính của sự vật đó (Existence Will ddeterminess the very nature of things), chính ý chí tồn tại là bản chất của sự vật.

Kahn cho rằng mỗi công trình kiến trúc đều có ý chí tồn tại và bản chất, và công việc thiết kế - đầu tiên – là phải tìm tòi được ý chí và bản chất đó. Ví dụ về kiến trúc trường học, ông nói: “trường học là một nơi có môi cảnh không gian để học tập. Khởi nguồn của trường học là một người ngồi dưới cái cây cùng một nhóm người thảo luận sự lý giải của người đó, người này vốn không hiểu rõ mình là một người thầy giáo, nhóm người đó cũng không cho rằng mình là học sinh… Sau đó không gian được hình thành rất nhanh, đó là trường học buổi ban sơ… Cũng có thể nói rằng, ý chí tồn tại của trường học, đã tồn tại ngay từ trước khi phát sinh tình huống một con người ngồi dưới một gốc cây”.

Kahn nhấn mạnh: người kiến trúc sư khi làm thiết kế, phải nhận thức được việc “làm cho tư tưởng trở về khởi nguồn của nó”, và “tất cả mọi hoạt động đầu tiên của con người là những thời khắc xúc động nhất”, “chúng ta phải bắt đầu từ đó chộp lấy cái linh cảm cần thiết cho ngày hôm nay”. Thiết kế một trường học tốt là làm cho trường học có một tinh thần, có tinh túy của một ý chí tồn tại.

Louis Kahn cho rằng “không phải tất cả các nhà cửa đều được xem là kiến trúc” (All Building is not Architecture). Bản thân kiến trúc không có hình hài thực, chỉ có nghệ thuật kiến trúc là xem thấy được. Theo Kahn, “ tác phẩm nghệ thuật kiến trúc là quà tặng hiến dâng cho Thần nghệ thuật kiến trúc: Kahn giải thích nghệ thuật là gì và nghệ thuật kiến trúc là gì như sau: “nghệ thuật là sản phẩm “cần thiết”, và cũng là kết quả của nhu cầu kết hợp với sự vui chơi sảng khoái. Nghệ thuật là linh cảm và là sản phẩm của việc muốn biểu đạt cái tồn tại”.

Kahn cho rằng trước khi thiết kế, cần có một “trình tự”, một “trật tự”, nó bao gồm một tính chất trong đó có tính chất của con người, Kahn cũng cho rằng thuật ngữ “Hình thức” là để chỉ cái mà vật liệu muốn thể hiện. Nếu ý chí tồn tại được thỏa mãn trong quá trình thiết kế, thì đã có một sự chuyển biến nội tại, và trình tự đã cho ta kết quả. Kahn cho rằng con người có một ý niệm về một tổ chức cấu thành, mà tổ chức cấu thành này hình thành rất sớm; và “trước hết, kiến trúc là một biểu hiện của tổ chức cấu thành của nhân loại” và tổ chức cấu thành đó hình thành trước khi tòa nhà biến thành tác phẩm kiến trúc.
Kahn triết lý về “ánh sáng của sự tĩnh lặng”, và cho rằng “sự tĩnh lặng” (Silence) là không đo đếm được, nhưng ánh sáng” (To design Spaces to design light). Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của chiếu sáng tự nhiên, cho rằng chiếu sáng tự nhiên là duy nhất, là có tình cảm, có khả năng tạo cho chúng ta sự tiếp xúc với sự vĩnh cửu. Ánh sáng tự nhiên chính là ánh sáng duy nhất có thể khiến cho nghệ thuật kiến trúc trở thành nghệ thuật kiến trúc.

Cơ sở triết học của quan điểm kiến trúc của Louis Kahn chủ yếu dựa trên các tư tưởng của các nhà triết học Đức Authur Schopenhaur (1788-1860) và E.Husserl (1859-1938). Hai ông này có nhiều luận điểm về “vật chất tự tồn tại”, “ý chí sinh tồn” và phát kiến ra “Hiện tượng học” cũng như chủ trương “trở về với bản chất”. Chính vì vậy, mà trong những đối thoại của Kahn, Kahn nhấn mạnh vai trò của gạch và những vòm cuốn bằng gạch.

Kahn khác Le Corbusier coi trọng máy móc thì Kahn coi trọng tự nhiên, chủ trương học tập tự nhiên. Nhưng Kahn không bác bỏ chủ nghĩa công năng một cách toàn diện, mà ông đứng trên quan điểm “triết học ý chí” và “triết học hiện tượng học” để từ đó chuyển hướng đi của kiến trúc hiện đại. Chính vì sự tôn trọng chủ nghĩa nhân bản của Kahn mà ông được tôn trọng.

Đặng Thái Hoàng

No comments:

Post a Comment